Wellcome to Royal International School - Trường Đào Tạo Ngoại Ngữ Hoàng Gia - Trường đào tạo và phát triển Anh Ngữ đỉnh cao với các chương trình đào tạo hấp dẫn : Anh Văn Thiếu Nhi - Anh Văn Giao Tiếp - Luyện Thi TOEIC - IELTS... Liên Hệ Hotline Để Được Hỗ Trợ:0937.26.1618

học tiếng Anh thiếu nhi Gò Vấp

dạy tiếng Anh thiếu nhi Gò Vấp

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh

Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh  



Trong xu thế nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay vấn đề đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) trở thành một trong những vấn đề trọng tâm hàng đầu. Người giảng viên (GV) vừa là người hướng dẫn, người định hướng, người trọng tài cố vấn cho sinh viên đồng thời phải là người nghiên cứu, tìm tòi phát hiện cái mới trong đó, mở rộng và làm phong phú sâu sắc hơn những tri thức khoa học mà bộ môn giảng dạy để không ngừng tự biến đổi mình. Quá trình đó không chỉ bó hẹp ở một khía cạnh tích luỹ kiến thức, tìm tòi kiến thức mới mà rộng hơn là cả về phương pháp giảng dạy (PPGD).

Nói đến PPDH có rất nhiều quan điểm khác nhau. Nếu quan niệm dạy học là truyền thụ và và thu nhận kiến thức thì PPDH là cách thức truyền đạt và thu nhận kiến thức. Nếu quan niệm dạy học là quá trình trợ giúp người học chiếm lĩnh nội dung học thì PPDH gắn liền với quy trình, cách thức tổ chức quá trình nhận thức cho người học. Phương pháp không có mục đích tự thân mà “Phương pháp là con đường dõi theo sau một đối tượng”. Theo GS.TS Thái Duy Tuyên thì PPGD là một khái niệm được hiểu ở các bình diện khác nhau không thống nhất với nhau.

*Khi đề cập về PPGD ngoại ngữ, ắt hẳn mỗi GV đều biết đến nhiều PPGD khác nhau như phương pháp ngữ pháp - dịch, phương pháp trực tiếp, phương pháp nghe - nói, phương pháp nghe - nhìn, phương pháp gợi mở… Mỗi phương pháp ra đời sau đều được coi như một cố gắng kế thừa những thành tựu và khắc phục nhược điểm của phương pháp ra đời trước nó. Nếu như với phương pháp dạy ngoại ngữ truyền thống (phương pháp ngữ pháp - dịch) chú trọng nhiều vào việc học và rèn luyện thành thạo các cấu trúc ngữ pháp, thì với cách tiếp cận giao tiếp tức dạy ngoại ngữ theo phương pháp thực hành giao tiếp việc hình thành ở người học năng lực sử dụng ngôn ngữ thành thạo lại là trọng tâm của quá trình dạy học. Khác với phương pháp nghe nói (audio-lingual) với sự nhấn mạnh đến vai trò của luyện tập thành thục các mẫu cấu trúc có sẵn, cách giảng dạy theo phương pháp thực hành giao tiếp nhấn mạnh đến khả năng tương tác của người học trong bối cảnh giao tiếp, trong đó mỗi hành vi ngôn ngữ của người học sẽ thay đổi tùy thuộc vào những phản ứng và câu trả lời trước đó của những người cùng tham gia.

Theo PPGD truyền thống, học ngoại ngữ thường được coi như một quá trình truyền thụ kiến thức từ thầy sang trò thì với việc sử dụng phương pháp thực hành giao tiếp, việc dạy và học ngoại ngữ giờ đây được nhìn nhận như một quá trình khám phá, trong đó người học dần sử dụng ngôn ngữ phù hợp với những mục đích giao tiếp cụ thể. Đây là mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm, trong đó cả thầy và trò đều cùng chia sẻ trách nhiệm dạy và học. Song song với việc nhấn mạnh vào mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp ở người học, việc lựa chọn các hoạt động học tập sao cho có ích, phù hợp với nhu cầu của người học và phải đặt vào trong những bối cảnh thật mà người học có nhiều khả năng sẽ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày luôn được đề cao.



Muốn tạo được một môi trường học tập năng động và hấp dẫn trong đó có sự phối hợp tích cực của thầy và trò. Với vai trò là người điều khiển trong quá trình dạy học, người dạy phải tạo ra mọi tình huống, mọi khả năng để hướng dẫn các hoạt động của người học trong giờ học. Người dạy cần vận dụng mọi thao tác và phương tiện, cử chỉ điệu bộ để tăng cường thúc đẩy các hoạt động giao tiếp. Các phương tiện dạy học được phát huy triệt để.

 Học ngoại ngữ là quá trình nhận biết các kiến thức và rèn luyện các kỹ năng, vì vậy khi giảng dạy tiếng Anh, người dạy cần thiết kế, phân bố thời gian hợp lý giữa các khâu giảng, giữa thời lượng truyền đạt kiến thức mới và thời lượng cho người học thực hành. Tăng cường thực hành theo nhóm, theo cặp nhằm tạo điều kiện cho người học phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giảm được tâm lý ngại ngùng, tăng tính chủ động, tính hợp tác giữa người học; học lẫn nhau và luyện được cách học tập, làm việc đồng đội, tập thể. Người dạy với vai trò là người đạo diễn đồng thời là diễn viên, tham gia như một thành viên của hoạt động.

Cần thiết kế các dạng bài tập theo hướng tạo tính chủ động sáng tạo cho người học và tuỳ theo trình độ của người học. Đối với người học có trình độ thấp thì tăng cường đưa bài tập thực hành theo hướng “nhận biết - bắt chước - tư duy sáng tạo”. Đối với người học có trình độ cao thì áp dụng thực hành theo hướng “nhận biết - liên hệ - tư duy sáng tạo”.

Nên đa dạng hoá các hoạt động dạy học bằng cách xen kẽ các trò chơi nhằm tạo hứng thú học tập cho người học, mỗi GV cần có những thủ thuật động viên khích lệ tính chủ động suy nghĩ của người học. Cần theo dõi quá trình học tập của người học và có những phản hồi kịp thời nhằm giúp người học phát huy những điểm mạnh và hạn chế, sửa chữa những điểm yếu, giúp người học cảm thấy tự tin muốn học và không cảm thấy tiếng Anh là một môn học khó. Người dạy phải biết kết hợp uyển chuyển trong vai trò là người truyền tải kiến thức mới, là người giúp đỡ giảm độ khó cho sinh viên, là người hướng dẫn và củng cố kiến thức toàn bài.

Thực tế cho thấy, PPGD tiếng Anh theo khuynh hướng giao tiếp rất khó áp dụng cho một lớp học có sĩ số quá đông như hiện nay. Khi giảng dạy theo giáo trình mới (New Headway) có rất nhiều phần hoạt động giao tiếp đều được lược bỏ hoặc dạy theo cách riêng của mỗi GV cho phù hợp. Hiệu quả của những giờ thực hành giao tiếp hầu như rất thấp hoặc không có. Ngoài việc phải vận dụng có nghệ thuật PPGD như đã nêu trên, một tiết học muốn thành công còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó cơ sở vật chất, thiết bị và trình độ người học là những yếu tố cơ bản. Muốn vậy, trước hết GV phải nắm được mục tiêu của khoá học, nội dung khoá học, phương pháp kiểm tra đánh giá của khoá học. Ngoài ra, GV phải hiểu được đặc điểm của người học xem họ còn thiếu những gì để đạt được mục tiêu của khoá học. Và để việc giảng dạy tiếng Anh có hiệu quả hơn, ngoài việc đổi mới chương trình, phương pháp thì việc cần phải làm ngay là phân loại trình độ tiếng Anh đầu vào của người học, chia nhỏ lớp theo trình độ, giới hạn sĩ số lớp và phân bổ thời gian dạy hợp lý.

Tóm lại, đổi mới PPGD nói chung và đổi mới PPGD ngoại ngữ nói riêng chính là đổi mới cách thức tổ chức giảng dạy, là phải lấy người học làm trung tâm, cách dạy mới phải phù hợp với khả năng tiếp thu và nhu cầu của người học, làm cho người học yêu thích môn học nhằm đảm bảo hiệu quả truyền đạt cao nhất cho người học. Một PPGD cố định không thể là chìa khoá chung cho mọi GV mà phải tuỳ thuộc từng hoàn cảnh lớp học, đối tượng học, nội dung học để mỗi GV cần điều chỉnh các hoạt động giảng dạy hợp lý như nhà bác học Newton đã từng nói “Những điều ta biết chỉ là giọt nước, những điều chưa biết đó là đại dương. Trên con đường chiếm lĩnh tri thức thì không có đâu là bến bờ. Và trên con đường chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức thì mỗi người lại có những phương pháp khác nhau”. Chúng ta không thể có một phương pháp cụ thể cứng nhắc áp dụng cho tất cả các đối tượng mà phải phụ thuộc vào trình độ nhận thức, năng khiếu, sở thích, niềm say mê với môn học mà người dạy và người học chọn cho mình phương pháp riêng để học tập và giảng dạy./.

Lê Hương Hoa (Thạc sĩ, Phó Trưởng BM Ngoại ngữ - Trường Đại học CSND)

Nguồn: http://www.pup.edu.vn/vi/Tap-chi-CAND


TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG VĂN HÓA HOÀNG GIA
..............................................................................................................................................
Trụ Sở TPHCM: 61 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Bình Dương: A1B101 CC Becamex, KDC Việt Sing, P.An Phú, TX.Thuận An, BD
Website: www.truonghoanggia.edu.vn - Email: truonghoanggiasaigon@gmail.com
Điện thoại: 0937261618

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
");